TỔNG QUAN VỀ KHÁNH HOÀ
Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Tỉnh này giáp với tỉnh Phú Yên về hướng bắc, tỉnh Đắk Lắk về hướng tây bắc, tỉnh Lâm Đồng về hướng tây nam, tỉnh Ninh Thuận về hướng nam, và Biển Đông về hướng đông. Quần đảo Trường Sa nằm dưới sự quản lý của tỉnh Khánh Hòa, nhưng bị tranh chấp về chủ quyền bởi một số quốc gia khác.
Tỉnh lỵ của Khánh Hòa là thành phố Nha Trang.
|
Tỉnh Khánh Hòa ở về phía khu vực duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, phía Bắc giáp ba huyện Sông Hinh, Đông Hòa và Tây Hòa của tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp hai huyện M’Drăk và Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk, phía Nam giáp huyện Bác Ái và Thuận Bắc của tỉnh Ninh Thuận, phía Tây Nam giáp huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng, phía Đông giáp Biển Đông. Tỉnh lỵ của Khánh Hòa là thành phố Nha Trang, cách Thành phố Hồ Chí Minh 447 km và cách thủ đô Hà Nội 1.278 km đường bộ.
Khánh Hòa có diện tích tự nhiên là 5.197 km². Phần đất liền của tỉnh nằm kéo dài từ tọa độ địa lý 12°52’15" đến 11°42’50" vĩ độ Bắc và từ 108°40’33" đến 109°27’55" kinh độ Đông. Điểm cực Đông trên đất liền của Khánh Hòa nằm tại Mũi Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh và cũng là điểm cực đông trên đất liền của Việt Nam.Chiều dài vào khoảng 150 km, chiều ngang chỗ rộng nhất vào khoảng 90 km.
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có đường bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam. Đường bờ biển kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, có độ dài khoảng 385 km tính theo mép nước với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và các đảo san hô của quần đảo Trường Sa. Khánh Hòa có sáu đầm và vịnh lớn, đó là Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, Hòn Khói, vịnh Nha Phu, vịnh Nha Trang (Cù Huân) và vịnh Cam Ranh. Trong đó có nổi bật nhất vịnh Cam Ranh với chiều dài 16 km, chiều rộng 32 km, thông với biển thông qua eo biển rộng 1,6 km, có độ sâu từ 18-20 m và thường được xem là cảng biển có điều kiện tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á trước đây được sử dụng làm căn cứ quân sự của Hoa Kỳ rồi Liên Xô (sau này là Nga) nhưng nay đã được chuyển thành cảng dân sự. Tuy nhiên, một cách tổng quát, với đường bờ biển vừa dài vừa quanh co khúc khuỷu, chỗ lồi chỗ lõm, phía ngoài lại có vô số đảo nhỏ, nên bờ biển Khánh Hòa không được thuận lợi về mặt hải vận.
Là một tỉnh nằm sát dãy núi Trường Sơn, đa số diện tích Khánh Hòa là núi non, miền đồng bằng rất hẹp, chỉ khoảng 400 km², chiếm chưa đến 1/10 diện tích toàn tỉnh. Miền đồng bằng lại bị chia thành từng ô, cách ngăn bởi những dãy núi ăn ra biển. Do đó để đi suốt dọc tỉnh, người ta phải đi qua rất nhiều đèo như đèo Cả, đèo Cổ Mã, đèo Chín Cụm, đèo Bánh Ít, đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì.
Khánh Hòa là một tỉnh có địa hình tương đối cao ở Việt Nam, độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 60 m. Núi ở Khánh Hòa tuy hiếm những đỉnh cao chót vót, phần lớn chỉ trên dưới một ngàn mét nhưng gắn với dải Trường Sơn, lại là phần cuối phía cực Nam nên địa hình núi khá đa dạng.
Phía Bắc và Tây Bắc tỉnh có vùng núi cao thuộc dãy Vọng Phu cao hơn 1000 m, trong đó có dãy Tam Phong gồm ba đỉnh núi cao là Hòn Giữ (cao 1264 m), Hòn Ngang (1128 m) và Hòn Giúp (1127 m). Dãy Vọng Phu - Tam Phong có hướng tây nam - đông bắc, kéo dài trên 60 km, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk. Các núi thuộc đoạn giữa của tỉnh thường có độ cao kém hơn, có nhiều nhánh đâm ra sát biển tạo nên nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, gắn với những huyền thoại dân gian và di tích lịch sử, sự kiện của địa phương như Hòn Giữ, núi Chúa với chùa Suối Ngỗ, Hòn Ngang - Suối Phèn có miếu thờ Thái tử Bắc Hải, hòn Bà (tức bà Thiên Y A Na), hòn Cù Lao có tháp Po Nagar, và các cảnh đẹp thiên nhiên như Thác Ba Hồ, suối Ồ Ồ, eo Gió... Đến phía Nam và Tây Nam, lại xuất hiện một vùng núi rộng, với nhiều đỉnh núi cao trên 1500 m đến trên 2000 m, trong đó có Đỉnh Hòn Giao (2062 m) thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh, là đỉnh núi cao nhất Khánh Hòa. Do có nhiều núi cao, mật độ chia cắt lớn bởi khe, suối, sông tạo thành nhiều hẻm, vực, thung lũng sâu, gây khó khăn cho giao thông. Ngoài ra, khu vực này còn có thung lũng Ô Kha, được biết đến là một vùng nguy hiểm cho hàng không.
Đồng bằng ở Khánh Hòa nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ra biển. Chẳng những thế, địa hình rừng núi của tỉnh không thuận lợi cho quá trình lắng đọng phù sa, nên nhìn chung Khánh Hòa không phải là nơi thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Các đồng bằng lớn ở Khánh Hòa gồm có đồng bằng Nha Trang - Diên Khánh nằm ở hai bên sông Cái với diện tích 135 km²; đồng bằng Ninh Hòa do sông Dinh bồi đắp, có diện tích 100 km². Cả hai đồng bằng này đều được cấu tạo từ đất phù sa cũ và mới, nhiều nơi pha lẫn sỏi cát hoặc đất cát ven biển. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có hai vùng đồng bằng hẹp là đồng bằng Vạn Ninh và đồng bằng Cam Ranh ở ven biển, cùng với lượng diện tích canh tác nhỏ ở vùng thung lũng của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Thềm lục địa tỉnh Khánh Hòa rất hẹp, đường đẳng sâu chạy sát bờ biển.Địa hình vùng thềm lục địa phản ánh sự tiếp nối của cấu trúc địa hình trên đất liền. Các nhánh núi Trường Sơn đâm ra biển trong quá khứ địa chất như dãy Phước Hà Sơn, núi Hòn Khô, dãy Hoàng Ngưu không chỉ dừng lại ở bờ biển để tạo thành các mũi Hòn Thị, mũi Khe Gà (Con Rùa), mũi Đông Ba... mà còn tiếp tục phát triển rất xa về phía biển mà ngày nay đã bị nước biển phủ kín. Vì vậy, dưới đáy biển phần thềm lục địa cũng có những dãy núi ngầm mà các đỉnh cao của nó nhô lên khỏi mặt nước hình thành các hòn đảo như hòn Tre, hòn Miếu, hòn Mun ... Xen giữa các đái đảo nổi, đảo ngầm là những vùng trũng tương đối bằng phẳng gọi là các đồng bằng biển (đồng bằng mài mòn, đồng bằng bồi tụ...), đó chính là đáy các vũng, vịnh như vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh.
Ngoài các đảo đá ven bờ, Khánh Hoà còn có các đảo san hô ở huyện đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa nằm ở phía nam biển Đông, cách Cam Ranh 250 hải lý (khoảng 450km). Quần đảo có khoảng 100 đảo bãi cạn, bãi ngầm rải rác trên một diện tích từ 160 đến 180 ngàn km², trong đó có từ 23 đến 25 đảo, bãi cạn nổi thường xuyên, với tổng diện tích 10km². Đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là Ba Bình chỉ rộng 0,65km². Bãi lớn nhất là bãi Thuyền Chài, dài 30km; rộng 5km (ngập nước khi triều lên). Địa hình trên bề mặt các đảo rất đơn giản, chỉ là những mõm đá, vách đá vôi san hô, cao vài ba mét. Đất trên các đảo là đất đá vôi bị phong hóa, kết hợp với các thành phần hữu cơ như: phân chim, xác sinh vật biển, cây cỏ và nước khí quyển.
Cấu tạo địa chất của Khánh Hòa chủ yếu là đá granit và Riônit, đaxit có nguồn gốc mắc-ma xâm nhập hoặc phún xuất kiểu mới. Ngoài ra còn có các loại đá cát, đá trầm tích ở một số nơi. Về địa hình kiến tạo, phần đất của tỉnh Khánh Hòa đã được hình thành từ rất sớm, là một bộ phận thuộc rìa phía Đông-Nam của địa khối cổ Kom Tom, được nổi lên khỏi mặt nước biển từ đại cổ sinh, cách đây khoảng 570 triệu năm. Ở đại trung sinh có 2 chu kỳ tạo sản inđôxi và kimêri có ảnh hưởng một phần đến Khánh Hòa. Do quá trình phong hóa vật lý, hóa học diễn ra trên nền đá granit, riônit đã tạo thành những hình dáng độc đáo, rất đa dạng, phong phú, góp phần làm cho thiên nhiên Khánh Hòa có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng.
Khánh Hòa là một tỉnh ở vùng duyên hải cực Nam Trung bộ, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Song khí hậu Khánh Hòa có những nét biến dạng độc đáo với các đặc điểm riêng biệt. So với các tỉnh, thành phía Bắc từ Đèo Cả trở ra và phía Nam từ Ghềnh Đá Bạc trở vào, khí hậu ở Khánh Hòa tương đối ôn hòa hơn. Thường chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 dương lịch, tập trung vào 2 tháng 10 và tháng 11, lượng mưa thường chiếm trên 50% lượng mưa trong năm. Những tháng còn lại là mùa nắng, trung bình hàng năm có tới 2.600 giờ nắng.Nhiệt độ trung bình hàng năm của Khánh Hòa cao khoảng 26,7°C riêng trên đỉnh núi Hòn Bà (cách Nha Trang 30 km đường chim bay) có khí hậu như Đà Lạt và Sa Pa. Độ ẩm tương đối khoảng 80,5%.
|
Từ tháng 1 đến tháng 8, có thể coi là mùa khô, thời tiết thay đổi dần. Những tháng đầu mùa, trời mát, nhiệt độ từ 17-25°C, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 trời nóng nực, nhiệt độ có thể lên tới 34°C (ở Nha Trang) và 37-38°C (ở Cam Ranh). Tháng 9 đến tháng 12, được xem như mùa mưa, nhiệt độ thay đổi từ 20-27°C (ở Nha Trang) và 20-26°C (ở Cam Ranh). Khánh Hòa là vùng ít gió bão, tần số bão đổ bộ vào Khánh Hòa thấp chỉ có khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn bão/năm đổ bộ vào bờ biển nước ta, các trận bão được dự đoán sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa trong những năm gần đây thường lệch hướng vào Nam hoặc tan ngay khi gần vào bờ. Tuy vậy, do địa hình sông suối có độ dốc cao nên khi có bão kèm theo mưa lớn, làm nước dâng cao nhanh chóng, trong khi đó sóng bão và triều dâng lại cản đường nước rút ra biển, nên thường gây ra lũ lụt, tác hại đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Khánh Hòa hiện nay là một trong 58 Tỉnh của Việt Nam. Về mặt đơn vị hành chính Khánh Hòa được chia thành một thành phố trực thuộc tỉnh, một thị xã và 7 huyện các huyện, thị xã, thành phố lại được chia thành 28 phường 7 thị trấn và 105 xã . Về quản lí hành chính Hội đồng Nhân dân tỉnh, với các đại biểu được bầu cử trực tiếp nhiệm kỳ 5 năm, có quyền quyết định các kế hoạch phát triển dài hạn về kinh tế, văn hóa, giáo dục... của tỉnh. Đứng đầu Hội đồng Nhân dân gồm một Chủ tịch, một Phó chủ tịch và một Uỷ viên thường trực. Hội đồng Nhân dân chịu sự giám sát và hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu nên Ủy ban Nhân dân, cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý về mọi hoạt động chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa trên địa bàn Khánh Hòa. Đứng đầu Ủy Ban Nhân dân gồm một Chủ tịch và các Phó chủ tịch. Các sở, ngành của Ủy ban Nhân dân sẽ quản lý về các lĩnh vực cụ thể, như y tế, giáo dục, đầu tư, tư pháp, tài chính. Tương tự, cấp thành phố, thị xã, huyện cũng có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân chịu sự chỉ đạo chung của cấp tỉnh. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân còn quản lý Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa và một số tổng công ty trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Khánh Hòa còn bầu ra Bí thư Tỉnh ủy. Quyền hạn và trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy được quy định theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
III. Dân Cư:
Theo số liệu điều tra ngày 01/04/2009 dân số tỉnh Khánh Hòa là 1.156.903 người với mật độ dân số toàn tỉnh là 222 Người/km² Trong đó Nam giới có khoảng 572.412 người (49.48%) và Nữ giới có khoảng 584.491 người (50.52%) tỷ lệ tăng dân số của tỉnh bình quân từ năm 1999 - 2009 là 1,1%; tỷ số giới tính là 97,9%; tỷ lệ dân số thành thị 39,7%.
Ngay từ thuở xa xưa, trên vùng đất Khánh Hòa đã có cư dân sinh sống. Bằng chứng về sự cư trú lâu đời của những cư dân này, dựa vào các di chỉ khảo cổ được phát hiện gần đây ở các địa phương trong tỉnh như: Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), Xóm Cồn (phường Cam Linh, thị xã Cam Ranh), xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh), đảo Hòn Tre (TP. Nha Trang) và một số nơi khác đã tìm thấy dấu vết những cư dân đầu tiên sống cách đây khoảng từ 4.500 đến 5.000 năm.
Hiện nay có 32 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó dân tộc Kinh chiếm 95,3% sống phân bố đều khắp huyện, thị, thành phố, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là các vùng đồng bằng, thành phố, thị xã, thị trấn. Dân tộc Raglai chiếm 3,4% sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh trong các bản làng (palây). Dân tộc Hoa chiếm 0,86% sống phân tán, xen kẽ với người Kinh tại các huyện đồng bằng. Các nhóm chính khác gồm Cơ-ho chiếm 0,34%,Ê-đê chiếm 0,25%... Ngoài ra, còn có các dân tộc Tày, Nùng, Mường,Chăm...Người Chăm là cư dân bản địa ở Khánh Hòa. Tuy nhiên do những điều kiện lịch sử, từ giữa thế kỷ XVII về sau này, người Chăm ở Khánh Hòa lần lượt di chuyển vào các tỉnh phía Nam. Hiện nay, người Chăm ở Khánh Hòa còn lại số lượng không đáng kể.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Khánh Hòa vào thời điểm của cuộc tổng điều tra dân số năm 1999, Khánh Hòa có 293.280 người có tín ngưỡng chiếm 28,7% dân số toàn tỉnh, nhiêu nhất là Phật giáo 180.503 người, chiếm 17,6%; Công giáo 97.518 người, chiếm 9,6%, còn lại là Tin Lành 0,7%, Cao Đài 0,7%; các tôn giáo khác 0,1%. Phật giáo tập trung nhiều nhất ở Nha Trang (50,4%); Công giáo, Cao Đài tập trung ở Cam Ranh; Tin Lành tập trung ở Khánh Vĩnh.
Tính đến năm 2002, Tỉnh đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 8 huyện, thị xã, thành phố, Tỷ lệ người biết đọc biết viết đối với dân số từ 10 tuổi trở là 93,2% năm 1999.Về Y tế bình quân có 10 y bác sỹ trên 1 vạn dân.
Các cứ liệu khảo cổ học đã khẳng định ngay từ thời tiền sử, con người đã sinh sống ở đây. ở Hòn Tre trong vịnh Nha Trang từ đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều công cụ bằng đá của một nền nông nghiệp dùng cuốc. Với việc phát hiện ra bộ đàn đá Khánh Sơn vào tháng 2 năm 1979 trong địa bàn cư trú của tộc người Raglai, cho thấy chủ nhân của bộ đàn đá này đã sinh sống ở đây khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên.Sang thời đại đồ sắt, các di chỉ đã phát hiện của nền văn hóa Xóm Cồn (Ba Ngòi, Cam Ranh) cho phép khẳng định nền văn hóa thời đại đồ sắt ở Khánh Hòa có niên đại khoảng gần 4000 năm và phát triển sớm hơn văn hóa Sa Huỳnh. Nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh, Khánh Hòa có nhiều di chỉ khảo cổ học về nền văn hóa này như: Diên Sơn (huyện Diên Khánh), Bình Tân, Hòn Tre (Thành phố Nha Trang), Ninh Thân (huyện Ninh Hòa).
1.Thời kỳ Chăm Pa:
Khánh Hòa ngày nay là phần đất của nước Tây Đồ Di thuở trước, sau bị nước Chiêm Thành thôn tính và đổi làm xứ Kauthara. Vào đầu Công Nguyên, một bộ phận trong bộ tộc Cau, một trong hai bộ tộc lớn của người Chăm Pa thời bấy giờ, đã thành lập nên một tiểu quốc và được đặt tên là Tiểu quốc Nam Chăm, hay còn gọi là Panrãn hay Panduranga. Tiểu quốc này gồm hai xứ là Panduranga (khu vực ngày nay là Phan Rang, Phan Thiết) và Kauthara (khu vực Khánh Hòa ngày nay). Đối địch với Tiểu quốc Nam Chăm là Tiểu quốc Bắc Chăm ở khu vực thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay.
Sau đó, trải qua nhiều thế kỷ nội chiến liên miên, vương quốc Chăm Pa được thành lập trên cơ sở sự thống nhất của hai xứ Nam Chăm và Bắc Chăm. Đến thế kỷ thứ 8, dưới sự ra đời của vương triều Panduranga (Hoàn Vương Quốc), vùng Kauthara phát triển đến mức cực thịnh chỉ sau kinh đô với những khu đền tháp to lớn và linh thiêng mà tiêu biểu là ngôi đền thánh Ponagar thờ vị nữ thần mẹ xứ sở Yang Pô Y Na Gar.
Khác với nhiều địa khu khác Kauthara tương đối ít bị ảnh hương bởi các cuộc chiến tranh nhờ cách xa cả Đại Việt và Đế quốc Khmer. Sau khi kinh đô Vijaya thất thủ trong cuộc Chiến tranh Việt-Chiêm 1471, vua Lê Thánh Tông không tiếp tục tiến xuống phía nam để tấn công Kauthara mà dựng bia phân định biên giới mới của hai nước tại Núi Đá Bia. Lãnh thổ Chăm Pa chỉ còn lại khu vực Kauthara-Panduranga.
Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Năm 1803, Dinh Bình Khang được đổi tên thành Dinh Bình Hòa, phủ Bình Khang cũng được đổi tên thành phủ Bình Hòa nhưng sở lỵ đã được chuyển từ đây sang phủ Diên Khánh. Năm 1808, Dinh được đổi thành Trấn. Đến năm 1831 (năm Minh Mạng thứ 12), trấn Bình Hòa được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa, còn phủ Bình Hòa trở thành phủ Ninh Hòa. Vào thời điểm đó, tỉnh Khánh Hòa gồm 2 phủ, 4 huyện là: Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện: Phước Ðiền, Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Ðịnh, tỉnh lỵ là Phủ Diên Khánh.
Quân Pháp bị nghĩa quân đánh cho nhiều trận tơi bời ở cửa sông Cù, Hòn Thơm, Hòn Đá Lố, Thành Diên Khánh, nhưng với ưu thế về vũ khí và chiến thuật của đội quân xâm lược nhà nghề, thực dân Pháp đã chiếm lại Thành Diên Khánh. Trịnh Phong đưa quân ra phía Bắc cùng lực lượng của Trần Đường, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long lập phòng tuyến trấn giữ cửa biển ở Hòn Khói, xây dựng căn cứ ở Thùng Nà Bùi, Hòn Hèo. Quân Pháp dùng tàu chiến tấn công chiếm Hòn Khói, nghĩa quân rút lên căn cứ tổ chức phòng thủ.
Đến giữa năm 1886, địch tăng viện từ Gia Định để bằng mọi cách tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở Khánh Hoà. Địch vừa tổ chức các cuộc càn quét đánh phá căn cứ nghĩa quân, vừa khủng bố gia đình các lãnh tụ phong trào. Tổng trấn Trần Đường bị giặc bắt và xử chém. Một thời gian ngắn sau đó, Trịnh Phong và các thủ lĩnh của phong trào cũng bị sa vào tay giặc. Trịnh Phong bị giặc Pháp xử chém, bêu đầu ở cây Dầu Đôi (thôn Phú Ân, Diên Khánh). Các vị chỉ huy và nhiều nghĩa quân khác bị địch bắt đưa đi an trí tại Cam Ranh, chịu mọi cực hình khổ sai và bị thủ tiêu dần. Phong trào ''Bình Tây cứu quốc đoàn'' ở Khánh Hoà bị dập tắt, nhưng tinh thần yêu nước bất khuất, quyết tâm kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của các lãnh tụ và nghĩa sĩ vẫn sống mãi. Nhân dân địa phương thường nhắc tới ''Tam kiệt Khánh Hoà'' với lòng kính trọng và tự hào.
Vùng đất Khánh Hoà cũng là nơi hoạt động của các chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, những người đề xướng phong trào Duy Tân nhằm mục đích khuyến khích tân học, ''khai dân trí, chấn dân sinh''.
Ách áp bức nặng nề, tình yêu quê hương xứ sở, lòng khao khát độc lập, tự do đã hun đúc cho nhân dân Khánh Hoà lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất. Truyền thống yêu nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa Mác - Lê nin sớm bám rễ và phát triển, làm ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Khánh Hoà cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Từ cuối năm 1930 đến năm 1935, cùng với cả nước, phong trào cách mạng ở Khánh Hoà gặp nhiều khó khăn do sự khủng bố, đàn áp khốc liệt của kẻ thù. Hệ thống tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng từ tỉnh đến cơ sở bị vỡ nặng. Cán bộ lãnh đạo tỉnh phần lớn đều bị bắt, tra tấn, tù đày. Phong trào cách mạng trong tỉnh tạm lắng.
Thời kỳ 1936 - 1939, tổ chức Đảng trong tỉnh vẫn chưa hoàn toàn được khôi phục. Trong khi đó, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát triển rộng khắp ở thị xã, thị trấn và vùng nông thôn, đi vào các đồn điền, xí nghiệp và công sở của địch. Điển hình là cuộc đấu tranh ở vùng cao su Đồng Trăn, Suối Dầu, công nhân hỏa xa Nha Trang, của các tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ ở Chợ Đầm (Nha Trang), chợ Dinh (Ninh Hoà).
Bước vào thời kỳ 1939 - 1945, phong trào cách mạng Khánh Hoà lại gặp nhiều tổn thất. Tỉnh ủy lâm thời và các tổ chức Đảng lại bị vỡ, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo bị địch bắt bớ, tù đày. Các cơ sở cách mạng trong tỉnh vẫn còn tồn tại ở một vài địa phương nhưng chưa thành tổ chức và cũng chưa chắp nối được với cấp trên.
Tháng 4-1945, Tỉnh uỷ lâm thời được thành lập lại. Đến đầu tháng 8-1945, tổ chức Việt Minh tỉnh được thành lập. Tỉnh uỷ lâm thời và tổ chức Việt Minh đẩy mạnh công tác chuẩn bị lực lượng vũ trang, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa.
Ngày 11-8-1945, được tin quân Nhật sẽ đầu hàng lực lượng Đồng minh, tối 12-8-1945, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các đồng chí lãnh đạo Việt Minh tỉnh đã triệu tập hội nghị tại số nhà 45 đường Hoàng Tử Cảnh, Nha Trang (nay là 137 Hoàng Văn Thụ). Hội nghị căn cứ vào các chủ trương của Trung ương đã quyết định nắm thời cơ quân Nhật đầu hàng Đồng minh để phát động khởi nghĩa trong toàn tỉnh, đồng thời phân công cán bộ xuống các địa phương để triển khai.
Trong vòng hơn một tuần lễ (từ ngày 13 và 14-8 khởi nghĩa ở Vạn Ninh và đến ngày 22-8 khởi nghĩa ở Cam Ranh), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ lâm thời và Mặt trận Việt Minh, nhân dân Khánh Hoà đã xóa bỏ hoàn toàn chính quyền tay sai của Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã.
Cuối tháng 1-1946, thực dân Pháp tập trung lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại, ồ ạt tiến công phá vỡ mặt trận Nha Trang. Chiến tranh lan rộng ra toàn tỉnh. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Khánh Hoà đã cùng cả nước chung chí hướng, niềm tin, đoàn kết một lòng kiên quyết kháng chiến. Để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, tỉnh đã chủ trương lập các chiến khu kháng chiến như Chiến khu Hòn Dữ (Diên Khánh), Chiến khu Hòn Hèo (Ninh Hoà), chiến khu Hóc Chim (Vạn Ninh), đồng thời đẩy mạnh phương châm kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh. Nhiều trận đánh đã liên tiếp diễn ra trong tỉnh.
Cuối năm 1947, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh ở vùng sau lưng địch, tiêu biểu như trận đánh cảnh cáo cao uỷ Pháp Bolae của tự vệ Nha Trang, trận diệt đồn khố xanh ở thị trấn Vạn Giã, tấn công chi khu Ninh Hoà, tập kích vào Đá Bạc, Ba Ngòi. Những thắng lợi này của quân và dân Khánh Hoà đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm thất bại âm mưu ''bình định" của địch.
Năm 1948, Tỉnh đội Khánh Hoà được thành lập nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong tỉnh. Trong thời gian này, thực hiện chủ trương đánh địch bằng cả hai mặt quân sự và binh vận, nhằm chống lại âm mưu Ỏdùng người Việt đánh người Việt của thực dân Pháp, quân và dân Khánh Hoà đã đánh thắng một số trận tiêu biểu như diệt đồn Trại Cá (Cam Ranh), đồn Thương Chánh (Hòn Khói - Ninh Hoà), tiến công đồn Vĩnh Xương.
Đông xuân 1948 - 1949, hoà nhịp với chiến trường Bắc Bộ, quân và dân Khánh Hoà đã giành thắng lợi trong trận đánh đồn Phước Thuận, mở màn cho chiến dịch Đông Xuân ở Bắc Khánh. Địch mở trận càn quét Hòn Hèo - nơi đóng cơ quan đầu não của tỉnh. Lực lượng vũ trang của ta một mặt tổ chức phân tán nhỏ đánh địch trong căn cứ, mặt khác tổ chức lực lượng đánh sau lưng địch ở Phước Mỹ, tấn công thị trấn Ninh Hoà,buộc địch phải bỏ dở cuộc càn.
Trong các năm 1950 - 1952, phong trào kháng chiến ở Khánh Hoà gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ đã đề ra chủ trương xây dựng cơ sở quần chúng, xây dựng vững chắc các căn cứ địa, nhất là căn cứ địa Đá Bàn. Quân và dân trong tỉnh đã kiên cường chiến đấu bẻ gãy nhiều cuộc càn quét lớn của địch. Đáng chú ý, đầu năm 1951, ở Bắc Khánh, quân và dân Khánh Hoà đã đánh thắng hai trận ở Đồng Thân (Tây Ninh Hoà) và Núi Beo (Vạn Giã - Vạn Ninh). ở Nam Khánh, quân ta tiến công tiêu diệt một số đồn bốt ngoại ô thị xã Nha Trang, chống cuộc càn quét dài ngày của địch lên căn cứ 175 (Đá Đen).
Mở đầu chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 9-1-1953, quân ta đã phục kích ở Gành Bà trên đường Vạn Giã - Đại Lãnh diệt tên Nguyễn Chánh - quận trưởng Vạn Ninh, và một tiểu đội bảo vệ. Đêm 2-2-1954, lực lượng vũ trang Vĩnh Khánh đánh vào trại huấn luyện tân binh và hạ sĩ quan ở Suối Dầu, đốt cháy 1 triệu lít xăng, phá hủy nhà máy điện, san bằng toàn bộ khu huấn luyện. Trên 1.000 tân binh và hạ sĩ quan ngụy bỏ chạy. Giữa tháng 5-1954, quân ta san lấp mặt bằng Lạc Ninh (Vạn Ninh). Đây là căn cứ điểm đã gây nhiều tội ác đối với đồng bào xã Ninh Phước (Ninh An, NinhThọ), là vị trí án ngữ căn cứ Đá Bàn và bảo vệ quốc lộ 1. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, quân ta tiêu diệt và bắt sống trên 200 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Đến tháng 6-1954, quân và dân Khánh Hoà đã giải phóng hầu hết các vùng nông thôn của tỉnh. Riêng các vùng miền núi rộng lớn, quân và dân ta đã hoàn toàn làm chủ và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Ngày 20-7-1954, thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, kết thúc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Khánh Hoà tiếp tục bước vào giai đoạn cách mạng mới, chống đế quốc Mỹ xâm lược
Từ nửa cuối năm 1954 đến năm 1959 là thời kỳ khó khăn, đen tối của phong trào cách mạng Khánh Hoà. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tập hợp đội ngũ tay sai khá đông đảo đi về khắp các vùng nông thôn, vừa xây dựng, củng cố chính quyền của chúng, vừa thực hiện các chiến dịch tố cộng. Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm đã ban hành khắp nơi trong tỉnh, đâu đâu cũng diễn ra cảnh áp bức, đầu rơi máu chảy. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng của Khánh Hoà luôn được nhen nhóm, duy trì. Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II được tiến hành. Nghị quyết của Hội nghị đã đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng về đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Với tỉnh Khánh Hoà, Nghị quyết này đã mang đến một khí thế hoàn toàn mới.
Ngày 10-6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập. Tiếp sau đó, ngày 15-6-1969, Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hoà ra đời, biểu thị cho ý chí quyết tâm Ỏđánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong các năm từ 1969 đến 1973, lực lượng vũ trang tỉnh liên tiếp thực hiện các chiến dịch HT, hỗ trợ đắc lực cho quần chúng nổi dậy, giành quyền làm chủ.
Đầu năm 1971, tỉnh uỷ đã chủ trương ra sức khắc phục khó khăn, quyết tâm mở chiến dịch HT4. Từ tháng 4-1971, liên tục trong hơn 120 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã phá vỡ các trận càn của địch vào căn cứ miền núi, quần trụ đánh địch ở đồng bằng loại ngoài vòng chiến: 738 tên địch.
Ngày 18-7-1971, một đơn vị của tiểu đoàn 407 đặc công đánh sân bay Quảng Cơ trên bán đảo Cam Ranh phá huỷ 35 triệu lít xăng dầu. Ngày 21-9-1971 đại đội 5 tiểu đoàn 407 tập kích kho bom núi Ké, phá huỷ 55 nghìn tấn bom đạn và 5 xe bọc thép M113.
Điểm nổi bật của chiến dịch HT4 là quân ta đánh giá đúng quân địch, hạ quyết tâm chính xác, dùng lực lượng nhỏ đánh địch, diệt ác ban ngày. Riêng ở Diên Khánh và Nam Ninh Hòa, trong 10 ngày, các lực lượng vũ trang của dân và quân ta diệt 35 tên ác ôn khét tiếng, làm rung chuyển hệ thống nguỵ quân, nguỵ quyền từ tỉnh đến xã.
Sau những thất bại liên tục, ngày 27-1-1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam do Bộ Chính trị kêu gọi, tháng 2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà đã họp, động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh phối hợp với cả nước tiến hành cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975.
Ngày 10-3-1975, chiến thắng vang dội ở Buôn Ma Thuột của quân ta đã tạo tiền đề thuận lợi cho chiến trường Khánh Hoà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, khắp các địa phương trong tỉnh, quân và dân Khánh Hoà đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực, tấn công tiêu diệt địch. Ngày 2 và 3-4-1975, thị xã Nha Trang và các địa phương của tỉnh hoàn toàn được giải phóng.
Sau ngày 2-4-1975, Khánh Hoà đứng trước nhiều vấn đề phức tạp do hậu quả của chiến tranh để lại. Mặc dù vậy, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hoà đã nhanh chóng tiếp quản, làm chủ tình hình từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến hải đảo, từ các cơ sở quân sự đến các cơ sở kinh tế, hành chính của địch. Cùng với công tác tiếp quản, thiết lập và củng cố chính quyền cách mạng, tỉnh khẩn trương bắt tay vào ổn định kinh tế xã hội, giải quyết nạn đói, việc làm và nhanh chóng cứu tế ở những nơi khó khăn. Cùng với việc cứu đói, Đảng bộ và chính quyền các cấp đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất.
Cùng với những việc làm đó, tỉnh đã kêu gọi 6.014 công nhân viên chức cũ trở lại làm việc, sắp xếp việc làm cho 3.000 lao động khác. Chỉ 2 ngày sau khi được giải phóng, các nhà máy điện, nước đã hoạt động trở lại, phục vụ đời sống nhân dân. Để kịp thời bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, ngành y tế đã củng cố 2 bệnh viện, 6 bệnh xá ở các huyện, thị, hình thành 89 trạm y tế ở các xã, phường. Sau 10 ngày tỉnh Khánh Hoà được giải phóng, ngành giáo dục - đào tạo Khánh Hoà đã mở lại tất cả các trường học. Nhờ những cố gắng nói trên, cuộc sống của nhân dân trong tỉnh sớm được ổn định để bước vào thời kỳ mới.
Quốc hội quyết định sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh vào năm 1982. Vào ngày 30 tháng 6 năm 1989, Quốc hội lại chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày 7 tháng 7 năm 2000, huyện Cam Ranh được nâng lên thành thị xã Cam Ranh. Tháng 4 năm 2007 theo nghị định số 65/2007/NĐ-CP của Chính phủ cắt các xã: Cam Tân, Cam Hòa, Sơn Tân, Cam Hải Tây, Cam Đức, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Thành Bắc, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây, Cam Hải Đông của thị xã Cam Ranh và các xã Suối Tân, Suối Cát của huyện Diên Khánh thành lập huyện Cam Lâm đồng thời chia huyện Trường Sa thành ba đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn
Ngày 22 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Sau khi Nha Trang được công nhận là đô thị loại 1, Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.